Với vai trò là điểm tựa chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân, kỹ thuật phục hồi chức năng (phục hồi chức năng) đang được coi là một trong số những ngành nghề hấp dẫn, được nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Chuyên ngành y khoa thú vị và sinh động
Nhiều bạn trẻ ngày nay chọn ngành kỹ thuật phục hồi chức năng để định hướng tương lai vì chính sự hấp dẫn, thú vị và nhiều thách thức của chuyên ngành y khoa này. Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu về hoạt động của các hệ thống cơ quan trong cơ thể như hệ hô hấp, thần kinh, cơ xương khớp… và phân tích từng hoạt động chức năng của chúng.
Thông qua các môn học trong chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được trải nghiệm cảm giác thực sự ấn tượng khi bản thân là một nhà khoa học thực sự, có một tư duy phản biện sâu sắc.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật phục hồi chức năng có thể áp dụng can thiệp cho nhiều loại bệnh lý khác nhau: từ thoái hóa cơ xương khớp (cột sống cổ, cột sống thắt lưng…), cho đến các chấn thương như gãy xương, bong gân, trật khớp, bệnh tim mạch, hô hấp hay những khuyết tật thường gặp ở trẻ em như bại não, tự kỷ…
Nhiệm vụ của một kỹ thuật viên phục hồi chức năng rất đa dạng, từ lượng giá chức năng các bộ phận trên cơ thể người bệnh, đưa ra chương trình can thiệp phù hợp hay tìm hiểu những khó khăn mà họ có thể gặp tại gia đình và cộng đồng như sàn nhà tắm quá trơn hay cầu thang quá dốc để kịp thời tìm giải pháp hỗ trợ.

Sinh viên chuyên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng trong giờ học thực hành lượng giá chức năng vận động. Nguồn ảnh: Internet
Ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Phục hồi chức năng được đánh giá là một nghề nghiệp giàu tính nhân văn, khi trực tiếp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh độc lập trong các sinh hoạt và công việc hàng ngày, đóng góp sức lực và trí tuệ cho gia đình, xã hội. Hơn thế nữa, thực hành phục hồi chức năng có nghĩa là cần đặt những khiếm khuyết, chức năng, mong muốn của bệnh nhân lên hàng đầu.
Đối tượng làm việc của kỹ thuật viên phục hồi chức năng đa phần là những người khuyết tật, những trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, những mảnh đời cần được giúp đỡ và sẻ chia. Do đó, theo đuổi ngành này, bạn chắc hẳn là một con người giàu lòng nhân ái với một trái tim ấm áp, luôn mong muốn giúp đỡ cộng đồng. Không chỉ giúp ích cho người bệnh, kỹ thuật viên phục hồi chức năng còn có thể chăm sóc chính những người thân trong gia đình một cách khoa học, như giúp cải thiện trí nhớ cho ông bà, giảm đau lưng cho cha mẹ…
Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được làm công việc mình yêu thích và công việc đó mang lại niềm hạnh phúc cho mình và mọi người?
Nhu cầu tuyển dụng càng ngày càng lớn
Hiện nay, do nhu cầu ngày càng lớn của người dân, các khoa phục hồi chức năng được thành lập và phát triển nhanh tại các bệnh viện công lập và tư nhân. Tính đến năm 2019, cả nước có tới 36/63 tỉnh có bệnh viện phục hồi chức năng; 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các đơn vị này có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên nhưng lại không tìm ra kỹ thuật viên đủ tiêu chuẩn.
Xem thêm: Phục hồi chức năng là 1 trong 3 trụ cột của ngành y tế
Theo nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo Kỹ thuật phục hồi chức năng tại Việt Nam năm 2019 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, hiện cả nước ước tính thiếu hụt khoảng 10.000 kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo bài bản. Điều này mở ra cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên chuyên ngành KT phục hồi chức năng sau khi tốt nghiệp. Sinh viên ngành này hiện nay đang được các nhà tuyển dụng săn đón với mức lương cũng như nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Bên cạnh cơ hội làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế công lập và tư nhân, kỹ thuật viên phục hồi chức năng còn có khả năng tham gia trong các tổ chức, dự án trong nước và quốc tế về phục hồi chức năng, các cơ sở đào tạo, các trung tâm thể thao cũng như có thể thực hiện các dịch vụ phục hồi chức năng tại nhà.